NGUỒN GỐC CÂY BƯỞI DA XANH
Bà Trần Thị Liễu và bà
Trần Thị Phỉ (là hai chị em) hiện ngụ tại ấp Thanh Sơn II, xã Thanh Tân, huyện
Mỏ Cày Bắc kể lại, cha mình là ông Trần Văn Luông (1905-1976) quê ở ấp An
Thuận, xã Mỹ Thạnh An có người bạn kết nghĩa thâm tình là ông Sáu Hiền ở ấp
Thanh Sơn II, xã Thanh Tân cả hai ông đều làm nghề lái xe ống lô thời Pháp
thuộc. Khi lập gia đình ông Sáu Luông còn rất nghèo nên ông Sáu Hiền mời ông
Sáu Luông về đất mình cất nhà để ở, dần dần gia đình ông Sáu Hiền cũng bán đất
đó hẳn cho ông Sáu Luông khoảng 5 công vườn. Từ năm 1940-1942 trong lúc đi làm,
ông Sáu Luông có dự tiệc giỗ ở xã Tiên Thủy (Hàm Long) ăn được giống bưởi ngon
nên ông mang ba hột về trồng trên đất nhà mình.
Năm 1958, lúc còn trẻ
bà Trần Thị Thời (bà Ba Thời) cùng bà Trần Thị Phỉ (bà Năm Phỉ) học và dạy may
gần cầu bắc Hàm Luông, biết được ông Sáu Luông (cha của bà Năm Phỉ) có cây bưởi
ngon nên bà Ba Thời xin một nhánh mang về cho cha mình là ông Trần Văn Ẩn (ông
Ba Ẩn) ở ấp An Thuận B, xã Mỹ Thạnh An, nay là Thành phố Bến Tre để trồng. Ông
Ba Ẩn chọn gần chổ sau hè để trồng nhánh bưởi nhưng nơi đó cũng gần nơi nấu
rượu, có khi đổ nước kháp rượu tràn lên gốc bưởi, một thời gian sau cây bưởi
chậm phát triển; ông Trần văn Đắc (anh ruột bà Ba Thời) thấy vậy xin chiết một
nhánh bưởi về nhà mình ở ấp An Thạnh B, xã Mỹ Thạnh An để trồng. Ông Hai Đắc
nhớ lại, vào những năm đó ông sang nhà ông Sáu Luông đã thấy cây bưởi cao thẳng
đứng khoảng 6-7m, ông Sáu Luông một năm chỉ chiết vài, ba nhánh cho người thật
thân thích mà thôi.
Sau bao nhiêu năm
chiến tranh ác liệt, bom đạn Mỹ tàn phá vùng Mỹ Thạnh An nhưng cây bưởi vẫn
đứng vững chịu đựng trên đất nhà ông Hai Đắc, tuy đã già nua nhưng vẫn may mắn
tồn tại đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Năm 1981, ông Bùi
Thiện Mỹ-chồng bà Trần Thị Thai, em rễ của ông Trần Văn Đắc biết cây bưởi ngon
từ xưa nay, thấy vậy nên chiết một chục nhánh mang về trồng trên đất vườn mình
cùng ấp, hiện nay là ấp An Thuận B, xã Mỹ Thạnh An, Thành phố Bến Tre; thời
gian đó ông Ba Tẩu cũng chiết nhiều nhánh từ cây bưởi này đem về trồng trên đất
mình tại ấp An Thạnh A , xã Mỹ Thạnh An.
Đến 1996, ông Năm Mỹ
nghe tin Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam có tổ chức hội thi trái ngon,
ông mang trái đi thi và trái bưởi da xanh lần đầu tiên xuất hiện trên thi
trường, kết quả được giải B; cũng từ đó mà dần dần nhiều người trong và ngoài
tỉnh biết đến giống bưởi da xanh này.
Lần đầu dự hội thi
trái ngon tại tỉnh Tiền Giang, ông Năm Mỹ nhớ lại khi phát biểu trình bày việc
trồng, tiêu thụ trái bưởi da xanh của gia đình ông tại Thị xã Bến Tre, lúc đó
do hàng còn hiếm, bạn hàng tranh mua nhiều nên đẩy giá lên 17.000 đồng/trái,
khi đó trái bưởi Năm Roi chỉ 6.000-7.000 đồng/trái. Ông phát biểu tại hội
trường, có người phía dưới chắc lưỡi: “Bộ trong trái bưởi có vàng trong đó sao
mà mắc dữ vậy!”. Không ngờ giá trị của nó ngày nay vẫn còn cao hơn bưởi năm roi
gấp 3-4 lần.
Được biết, năm 1957
ông Trần Hữu Thức (sinh năm 1939), bà con chú bác ruột cùng bà Năm Phỉ đi cùng
cha là Ông Trần Văn Văn (ông Ba Văn là anh ruột của ông Sáu Luông ở ấp An
Thuận, xã Mỹ Thạnh An) qua nhà ông Sáu Luông cũng xin chiết một nhánh về trồng
tại ấp An Thuận B, xã Mỹ Thạnh An. Ông Thức còn nhớ rõ mình tận mắt thấy cây bưởi
trồng bằng hột cao chót hơn cây bưởi trồng bằng nhánh bây giờ, khoảng 6-7m như
ông Hai Đắc đã kể nêu trên. Do đó, ngày nay cây bưởi da xanh lại cũng hiện diện
khá nhiều tại vùng Mỹ Thạnh An, Thành phố Bến Tre không thua kém vùng Thanh
Tân, huyện Mỏ Cày Bắc.
Năm 1971, ông Đặng Văn
Rô (Ba Rô) quê xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam mua đất ấp Thanh Sơn II, xã Thanh
Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Lúc này đã có cây bưởi da xanh mà được biết người chủ
trước là ông thầy giáo Bình cũng xin chiết nhánh từ nhà ông Sáu Luông về trồng.
Ông Ba Rô biết được ông Năm Mỹ thi đoạt giải B năm 1996, nên năm 1999 cũng mang
trái dự thi, đoạt giải nhất và lấy nhãn hiệu bưởi da xanh BR 99, đăng ký thương
hiệu và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận năm 2004.
Năm 1998, lúc đi tham
quan vườn bưởi ở xã Mỹ Thạnh An, ông Lê Văn Hoa (ông Hai Hoa), ấp Tân Phú, xã
Sơn Định, huyện Chợ Lách mua 10 nhánh bưởi da xanh của một người đem về trồng.
Đến năm 2003, 2004 ông tham gia hội thi trái ngon tại hội chợ quốc tế Cần Thơ
và đoạt giải nhì. Tháng 11/2006 tại hội thi cây bưởi da xanh giống tốt ở Viện
Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, trái bưởi da xanh của ông đạt 400/400 điểm và
đoạt giải nhất, sản phẩm dự thi được ban giám khảo cho điểm tuyệt đối vì hoàn
toàn không có hạt. Ông Lê Văn Hoa đã có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng
hóa năm 2005 của Cục Sở hữu Trí tuệ.
Gần đây, có vài thông
tin nói về nguồn gốc của giống bưởi da xanh chưa được đúng, để khi “ăn trái nhớ
người trồng cây”, ngày nay chúng ta có thể khẳng định rằng nguồn gốc xuất xứ
của bưởi da xanh do ông Trần Văn Luông là người có công tìm ra hạt giống ngon
để trồng tại ấp Thanh Tân II, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Hiện nay, toàn tỉnh
Bến Tre đã có khoảng 4.000 ha bưởi da xanh, hàng năm trong các lần hội thi trái
ngon của tỉnh, có từ 20-40 mẫu tham gia dự thi và đạt nhiều giải thưởng có ở
các huyện như Chợ Lách, Thành phố Bến Tre, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc,
Giồng Trôm, Bình Đại.
Từ năm 2006-2008, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phối hợp với Viện nghiên cứu
Cây ăn quả Miền nam đã nghiên cứu đề tài: Tuyển chọn và đánh giá di truyền của
một số dòng bưởi da xanh tại Bến Tre do thạc sĩ Trần Thị Oanh Yến làm chủ nhiệm
cùng nhóm nghiên cứu của Viện. Kết quả đề tài đã xác định dòng di truyền bưởi
da xanh của các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam), Thành
phố Bến Tre là không khác biệt, đồng thời chọn được một cây bưởi da xanh của
ông Huỳnh Văn Phước ở ấp An Thuận B, xã Mỹ Thạnh An là cây đầu dòng giống tốt
để sử dụng nhân giống cho sản xuất; độ Brix trung bình 11.1%, rất ít hoặc không
hạt, năng suất cao khoảng 200 kg/cây/năm, chưa bị nhiễm các bệnh quan trọng như
vàng lá Greening, vàng lá thối rễ…
Đề tài Tuyển chọn xác
định dòng vô tính đặc trưng phục vụ xây dựng thương hiệu bưởi da xanh tại Bến
Tre của Thạc sĩ Võ Hoài Chân làm chủ nhiệm cũng tuyển chọn được thêm hai cá thể
bưởi Da Xanh của ông Nguyễn Văn Hoa, ấp Tân Phú, Xã Sơn Định, huyện Chợ Lách và
ông Nguyễn Văn Dư (Thầy Phúc), ấp An Thuận B, xã Mỹ Thạnh An làm cây đầu dòng, giống
tốt vì chất lượng rất ngon, ít hoặc không hạt.
Ngoài ra, còn nhiều xã
của các huyện trong tỉnh cũng có dòng bưởi da xanh rất ngon, ít hoặc không hạt,
tép màu hồng đỏ, nước vừa phải, vị ngọt, múi tróc, vỏ mỏng mà bà con nông dân
có thể tự tuyển chọn để mua chiết nhánh tận vườn mang về trồng một cách chắc
chắn, không mua trôi nổi khi chưa rõ nguồn gốc.
Sưu
tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét